Đã vào tiết giữa thu, buổi sáng ở trung du không khí thật trong trẻo. Ngôi nhà anh ở nằm lọt thỏm giữa hoa trái sum xuê, măc dù chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 2 cây số vậy mà gần như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Trong không gian yên ắng chỉ còn tiếng những chú chim sâu lích rích chuyền cành, anh Thắng chậm rãi kể cho tôi nghe về gia cảnh của mình. Quê gốc của anh ở thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước cách mạng tháng tám, lúc ấy ông nội anh mới 3 tuổi đã phải theo gia đình lên lập nghiệp ở vùng đất Đại Từ. Và cũng từ đó, Đại Từ được coi như quê hương thứ hai. Tính đến đời anh là thế hệ thứ 3 gắn bó với vùng đất này. Cũng có thể chế độ phong kiến xưa quy định dân ngụ cư không được ở trong làng mà phải ra ngoài trại ở, nên cái xóm gọi là quê hương thứ hai của anh mới có tên là xóm Trại đến tận bây giờ. Cụ thân sinh ra anh năm 17 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tham gia chiến dịch Điện Biên xong về làm Chủ tịch rồi Bí thư Huyện uỷ Đại Từ, sau lên tỉnh làm Trưởng ty Tài chính thì nghỉ hưu. Mẹ anh, một phụ nữ nông thôn quanh năm lam lũ tần tảo.Theo chồng, bà cũng hoạt động rất tích cực trong Hội phụ nữ cứu quốc. Nhiều năm là Chủ tịch hội phụ nữ xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Sau này bà cũng vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi đảng.
Hết phổ thông năm 1974, Nguyễn Văn Thắng nhập ngũ vào bộ đội. Sau 7 năm lăn lộn ở Tây Nguyên, năm 1981 anh khoác ba lô trở về xóm Trại với gia tài vẻn vẹn 2 bộ quần áo. Mong muốn duy nhất của người lính trở về lúc đó là được đi làm nhà nước để có đồng lương, có sổ gạo. Anh hăm hở nộp hồ sơ xin được làm chân bảo vệ ở một cơ quan, nhưng rốt cuộc thì tổ chức trả lời không nhận vì đã đủ người…Thấy vậy, bố anh động viên phải cố gắng đi học đại học để sau này có nghề nghiệp ổn định và định hướng anh học ngành tài chính. Vừa rời ba lô quân ngũ lại tiếp tục khoác ba lô lên giảng đường là khó khăn, thách thức đối với anh. Sau 4 năm vừa đi học, vừa lấy vợ, anh cũng đã nhận được tấm bằng tốt nghiệp và về công tác tại công ty XNK Bắc Thái cho đến khi nghỉ chế độ.
Anh tâm sự: “Lương hưu của tôi bây giờ cũng được gần 2 triệu đồng/ tháng. Xét ở góc độ nào đó thì tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có một động lực lúc nào cũng thôi thúc, giục giã tôi phải vươn lên làm giàu có lẽ là do ngày xưa khổ quá”.
Hình ảnh người mẹ gày gò, lam lũ đội chiếc nón lá đi cày giữa buổi trưa. Bóng bà liêu xiêu, dặt dẹo trên cánh đồng nắng như đổ lửa. Rồi cảnh hai vợ chồng chắt chiu được được 6 nghìn đồng mua mảnh đất thì lại không có lối đi, bị hàng xóm chèn ép không có nước, không có nhà vệ sinh, toàn phải chui qua hàng rào xách nước…đã hằn sâu trong ký ức anh không bao giờ quên được. Nghỉ chế độ, anh ra thành lập Công ty cổ phần XNK và Đầu tư Thái Nguyên, bắt đầu hoạt động ngoài thương trường.
Có quá nhiều việc phải làm, nhiều lúc đầu óc cứ căng ra như dây đàn nhưng anh vẫn phải cố gắng. Bên cạnh Công ty cổ phần XNK & Đầu tư Thái Nguyên do anh làm Chủ tịch HĐQT, anh còn làm Phó chủ tịch 2 tập đoàn Vina Titan và Ban Tích Titan; Phó chủ tịch HĐQT Công ty khai thác & chế biến khoáng sản Núi Pháo; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh. Dự án mỏ Núi Pháo là dự án giữa Công ty cổ phần XNK & đầu tư Thái Nguyên với Tập đoàn Masan. Dự án có tổng số vốn đầu tư là 450 triệu USD, khai thác Vonfram và Đa kim với công nghệ cao.
Sau 7 năm khảo sát, mỏ Núi Pháo được các cơ quan chuyên môn đánh giá có trữ lượng Vonfram khoảng 21 triệu tấn, lớn thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Về Flo có trữ lượng lớn nhất thế giới khoảng 19,2 triệu tấn, thực hiện trên diện tích 635 ha tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Kế hoạch năm 2011 sẽ xây dựng xong nhà máy tiến hành bóc phủ lòng moong, năm 2012 chạy thử và đi vào hoạt động.
Song song với dự án Núi Pháo, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện An Khánh đến nay cũng đã khởi công và đang được thi công với tiến độ khẩn trương. Nhà máy có công suất 100 MW, sử dụng nguồn nguyên liệu than cám tại địa phương. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ được xây dựng trên địa bàn xã An khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cuối năm 2012 sẽ phát điện hòa vào lưới điện Quốc gia trên 800 triệu KWh/ năm. Và đang xúc tiến dự án nhà máy nhiệt điện An Khánh II với công suất 300MW, vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Có ý kiến cho rằng anh là người tham công, tiếc việc. Giữa lúc giá cả leo thang như hiện nay, anh lại bỏ ra 100 tỷ đồng để xây dựng khu trung tâm thương mại 20 tầng bên cạnh chợ Thái là không có sự tính toán. Nếu đem số tiền đó để đầu tư việc khác hoặc chí ít đem gửi ngân hàng sẽ hiệu quả hơn nhiều. Anh nghĩ sao về vấn đề này? – Tôi hỏi.
Thật ra, những ý kiến nêu trên đều đúng cả. Không phải tôi không nghĩ đến. Nhưng mình làm là vì lợi ích chung, tôi xây dựng Trung tâm thương mại M.A.M là vì cộng đồng xã hội, vì diện mạo của thành phố. Chính vì thế nên cũng chưa bàn đến việc thu hồi vốn. Có điều, nay mai công trình đi vào hoạt động hẳn sẽ ý nghĩa hơn nhiều.
Nhiều người có chung một nhận xét tốc độ đô thị hoá ở Thái Nguyên so với các tỉnh lân cận là quá chậm, hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi công cộng còn yếu kém. Là công dân thành phố, anh có buồn khi nghe nhận xét này ?
Tôi cũng đã được nghe những ý kiến tương tự. Nhưng tôi không buồn. Vì thế tôi mới quyết tâm xây dựng một khu trung tâm thương mại khang trang, hiện đại, tạo một điểm nhấn trong diện mạo đô thị. Và điều đó cũng chứng tỏ rằng tôi vẫn còn rất yêu thành phố của tôi, còn nếu không yêu, tôi đã mang tiền đi đầu tư vào việc khác.
Ở Thái Nguyên người ta gọi tên anh gắn với công việc như: Thắng Ngoại thương, Thắng Núi Pháo. Còn Thắng từ thiện là nói đến cái tâm của anh. Anh bộc bạch: “nét đặc trưng nhất trong con người tôi là khát vọng làm giàu và say mê làm từ thiện”.
Năm 1990, nghe tin Thành phố xây dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ TNXP ở Gia Sàng, anh đã đến gặp BQL xin được đóng góp tiền của. Sau này anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như xây gần 100 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, làm trường học cho các cháu, công đức xây dựng Đền, Chùa trong và ngoài tỉnh.
Anh quan niệm: “Chùa là biểu tượng văn hoá tâm linh của người Việt, con người ta vui cũng đến Chùa mà buồn cũng đến Chùa”. Năm 2006, trong một lần về xóm Trại, anh đã đến thăm ngôi chùa Sơn Dược, nơi đã gắn bó tuổi thơ anh và đám trẻ mục đồng. Thấy ngôi chùa đã xuống cấp, anh liền bàn bạc với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tiếp đến là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh xin được công đức trên 2 tỷ đồng xây lại toàn bộ ngôi chùa. Sau gần 3 năm xây dựng, đến nay chùa Sơn Dược đã hoàn thành với sự hoan hỷ của nhân dân và phật tử thập phương.
Điều mà anh cảm thấy hạnh phúc nhất, như một cái duyên là vào đầu năm 2008, tình cờ nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh nói Khu di tích nhà tưởng niện Bác Hồ ở ATK Định Hoá do UBND TP. Hà Nội xây dựng còn một số hạng mục cần được tôn tạo, anh đã mạnh dạn đề xuất ý kiến xin được tài trợ cho toàn bộ công trình này. Sau hơn 5 tháng làm việc khẩn trương với một khối lượng công việc không nhỏ đã hoàn thành các hạng mục như: Đắp 5 ngọn núi phía sau nhà tưởng niệm tạo thế tựa sơn; Đúc lại tượng Bác Hồ; Làm lầu khánh; Lầu chuông; Bãi đỗ xe …
Kỷ niệm 63 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9, ngày 16-8-2008 vừa qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ khánh thành công trình tôn tạo khu di tích nhà tưởng niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ, CCB, doanh nhân Nguyễn Văn Thắng xúc động cảm ơn Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan chức năng, các ban ngành đoàn thể tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ để anh hoàn thành được tâm nguyện của mình với Bác Hồ.
Bà Trịnh Thị Cúc- Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo đúng tiến độ của các đơn vị tham gia thi công. Cảm ơn Công ty cơ khí Tiến Hùng – Ý Yên, Nam Định đã đúc thành công bức tượng đồng Bác Hồ toàn thân, nặng 4,2 tấn, toàn bộ được dát vàng. Cảm ơn tấm lòng vàng của ông Nguyễn Văn Thắng, bà Lê Thị Thảo, trú tại tổ 2, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, đã phát tâm công đức trên 7 tỷ đồng để hoàn thành công trình hết sức ý nghĩa này…